Blockchain cơ bản (p6) – Các loại Blockchain

Các loại Blockchain chính hiện nay có 3 loại chính:  Public Blockchain, Private Blockchain và Hybrid Blockchain. Tùy theo từng bài toán cụ thể mà các doanh nghiệp sẽ chọn lựa loại Blockchain nào phù hợp cho giải pháp của mình.

1. Public Blockchain

Public Blockchain là một dạng blockchain mà ở đó tất các mọi người tham gia đều có quyền như nhau (permissionless blockchain), tất cả mọi người tham gia có thể đọc, ghi. Đây là hệ thống phi tập trung (distributed system), không một ai có thể chiếm quyền điều khiển hệ thống, tính bảo mật rất cao không ai có thể thay đổi dữ liệu một khi dữ liệu đã được chứng thực hợp lệ, trừ khi xảy ra trường hợp tấn công 51%. Hiện nay có rất nhiều public blockchain, nổi bật nhất vẫn là Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH).

Hiện tại có 2 dạng public blockchain:

  • Public blockchain trên hệ thống mainet: Đây là hệ thống giao dịch và chứng thực chính thức của các nền tảng blockchain
  • Public blockchain trên hệ thống testnet: Đây là hệ thống được xây dựng dành cho các nhà phát triển ứng dụng xây dựng và thử nghiệm trước khi đưa vào mainnet. Hiện tại có nhiều testnet nhưng phổ biến nhất là Rinkeby testnet và ropsten testnet

Ưu điểm

Độ tin cậy cao: Tất cả các giao dịch đều được xác minh bởi cộng đồng tham gia. Do đó,  tính minh bạch của một public blockchain rất cao, đây là một trong những tính năng quan trọng nhất mà các nhà phát triển cần phải xem xét trước khi ứng dụng  vào bài toán cụ thể.

An toàn và bảo mật hệ thống cao: Các thành phần xấu sẽ cực kỳ khó khan tấn công publich blockchain với nhiều node mạng tham gia.

Nhược điểm

Tốc độ xử lý giao dịch chậm: Tùy thuộc vào số lượng node tham gia và giải thuật đồng thuận (consensus algorithm) mà hệ sinh thái blockchain dung sẽ ảnh hưởng đến tốc độ xử lý các giao dich trên. Đối với Bitcoin có thể xử lý 7 TPS (Transaction Per Second) trong khi Ethereum có thể xử lý lên đến 15 TPS. Vì phải tốn một lượng thời gian để đạt sự đồng thuận về trạng thài giao dịch, dẫn đến tốc độ xử lý chậm. Nếu so sánh với thời gian xử lý của hệ thống thanh toán tập trung như Visa thì tốc độ của blockchain quá chậm, Visa đạt 24,000 TPS.

Tiêu tốn năng lượng

Thuật toán đồng thuận PoW (Proof-of-Work) phải giải bài toán để chứng thực giao dịch, điều này làm cho hệ thống tiêu tốn một lượng lớn tài nguyên điện để hoạt động. Đây là một trong những lý do công đồng blockchain cần phải cải tiến các giải thuật đồng thuận. Hiện tại, có nhiều cơ chế đồng thuận khác cố gắng đạt được sự đồng thuận của mạng mà không cần sử dụng các nguồn tài nguyên to lớn như POS (Ethereum), DPoS (EOS)

Dữ liệu cá nhân có khả năng bị công khai

Mặc dù dữ liệu cá nhân hoặc thông tin nhận dạng cá nhân đã được mã hóa. Tuy nhiên dữ liệu công khai này sẽ có cơ hội bị giải mã trong tương lai. Dó đó hiện tại một số public blockchain không yêu cầu dữ liệu cá nhân được lưu trữ trên  hệ thống blockchain công cộng.

2. Private Blockchain

Private Blockchain là một blockchain có sự phân quyền (permissioned blockchain). Đối với, Private blockchain không phải ai cũng được quyền tham gia vào hệ thống này, chỉ những người được cho phép mới tham gia vào được. Blockchain này có tính tập trung hơn vì chỉ có một nhóm nhỏ những người tham gia kiểm soát mạng. Ngoài ra, các blockchain này có một cơ chế đồng thuận (consensus) khác so với public blockchain. Đây là giải pháp phù hợp cho một nhóm các công ty hay tổ chức hoạt động trên hệ sinh thái Blockchain. Ví dụ Private Ethereum sử dụng giải thuật đồng thuận là PoA (Proof of Authority), giải thuật này sẽ lựa chọn các miners được quyền xác thực giao dịch và có thứ tự trong giác thực giao dịch.

Ưu Điểm
Tốc độ xử lý giao dịch nhanh hơn

Hệ thống Private blockchain có số lượng node tham gia ít hơn Public Blockchain, đồng thời số lượng node xác nhận giao dịch được ủy quyền cho một số node cụ thể do đó việc xác nhận giao dịch nhanh hơn nhiều so với public blockchain. Private Blockchain cho phép nhiều giao dịch được xử lý cho mỗi khối (Block), do đó chúng có thể xử lý hàng ngàn giao dịch mỗi giây (TPS).

Khả năng mở rộng

Vì chỉ có một vài node (nút) được ủy quyền và chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu, xác nhận giao dịch nên việc mở rộng sẽ dễ dàng hơn. Ví dụ Private Ethereum Blockchain sử dụng Bootnode, Bootnode làm nhiệu vụ kết nối các node lại với nhau. Do đó khi muốn mở rộng hệ thống chỉ việc kết nối node mới vào bootnode, bootnode sẽ tự động kết nối node mới vào hệ thống blockchain.

Nhược điểm

Độ tin cậy

Private Blockchain dựa trên độ tin cậy của các node được ủy quyền, các node này được quyền xác thực các giao dịch. Điều này có thể dẫn tới các node ủy quyền liên kết với nhau chứng thực các giao dịch không đúng.

Bảo mật thấp

Vì có ít node hơn public blockchain, do đó có thể xảy ra hiện trạng một thành phần xấu giành quyền kiểm soát mạng và gây nguy hiểm cho toàn bộ mạng.

Tính phi tập trung kém

Ngay từ lúc hình thành công nghệ blockchain, mục đích là loại bỏ bên trung gian để xác thực các giao dịch mà dung cộng động để xác thực. Do đó, đặc tính phi tập trung là rất quan trọng để tránh việc kiểm soát hệ thống từ một số ít người. Tuy nhiên, Private Blockchan được xây dựng và duy trì bởi một vài doanh nghiệp hay tập đoàn do đó tính phi tập trung rất kém.

3. Hybrid Blockchain

Hybrid Blockchain là sự kết hợp public blockchain và private blockchain phù hợp với yêu cầu nghiệp vụ thực tế của từng doanh nghiệp.Ví dụ một tập đoàn của một công ty về B2B Platform được xây dựng trên Blockhain, một số khách hàng của họ chỉ được quyền đọc dữ liệu, trong khi đó một số khác hàng khác có quyền ghi dữ liệu. Hệ sinh thái Hyperledger được xem là đại diện cho dạng blockchain này vì Hyperledger có cơ chế phân quyền rất linh động và tiện dụng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *